Ngày nay, việc tổ chức những sự kiện đặc biệt (event) đã trở thành
một trong những công cụ phổ biến nhất trong hoạt động tiếp thị. Cũng như
những công cụ tiếp thị khác, mục đích của việc tổ chức một sự kiện là
gây sự chú ý cho sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp, tạo sự quan tâm
hơn nữa từ khách hàng, từ đó giúp tăng doanh số bán của công ty.
Thực tế cho thấy, nhiều công ty lớn đã
dám bỏ ra hàng triệu USD mỗi năm để tổ chức các sự kiện và đã đạt được
không ít thành công nhờ tăng được doanh số bán. Nhưng không phải lúc nào
điều này cũng xảy ra. Để tổ chức một sự kiện thành công, bạn phải lựa
chọn một thời điểm hoặc một lý do thích hợp. Ngoài ra, bạn cần phải lưu ý
rằng, một sự kiện, dù lớn hay nhỏ, sẽ không có tác dụng nếu nó đứng một
mình. Trong tiếp thị, bạn có thể sử dụng hình thức quảng cáo hay làm
công tác đối ngoại (public relations - PR) mà không cần phải tổ chức một
sự kiện. Nhưng để một sự kiện có tác dụng, bạn cần phải phối hợp cả
quảng cáo và PR. Việc phối hợp ba công cụ này cũng khác nhau tuỳ theo
mỗi loại sự kiện.
1. Khai trương
Khai trương là một trong những lý do
tốt nhất để tổ chức một sự kiện. Để có tác dụng tốt, bạn phải làm cho sự
kiện này mang một nét đặc trưng riêng, nói lên được ngành nghề và
chuyển tải được thông điệp mà bạn muốn nhắn gửi đển khách hàng, đó là:
”Chúng tôi đã có mặt. Chúng tôi khác với các đối thủ cạnh tranh, chúng
tôi tối hơn các đối thủ cạnh tranh và chúng tôi đang sẵn sàng phục vụ
bạn”. Bạn phải làm cho khách hàng có ấn tượng mới lạ và tốt đẹp về buỗi
lễ khai trương.Nên tránh đi vào lối mòn như nhất thiết phải có chạy thử
máy (đối với việc khai trương nhà máy sản xuất), cắt băng khánh
thành…Hãy nghĩ ra những cách làm sáng tạo. Chẳng hạn, nếu khai trương
một cửa hàng bán đồ điện tử, bạn có thể dùng một bộ điều khiển từ xa để
mở cửa vào giờ khai trương. Hay để cho buổi lễ khai trương thêm phần ấn
tượng, bạn có thể thiết kế thiệp mời độc đáo, đăng tải tin trên báo chí,
tổ chức các chương trình giải trí, biểu diễn, tặng quà cho những người
đến dự. Ngoài ra, bạn cũng có thể nghĩ ra những cách để ghi nhớ và cảm
ơn những khách hàng đầu tiên như gửi phiếu mua hàng miễn phí hoặc giảm
giá, ghi lại tên và ngày sinh khách hàng để gửi thiệp chúc mừng sinh
nhật.
2. Giới thiệu sản phẩm mới
Những buổi giới thiệu sản phẩm mới
thường được đi kèm với các chương trình giải trí, biểu diễn. Tuy nhiên,
bạn không nên để những chương trình này kéo dài quá mức và làm cho khách
hàng sao lãng với mục đích chính của bạn là giới thiệu sản phẩm/dịch
vụ. Nói một cách khác, những chương trình giải trí và biểu diễn chỉ là
những “chất xúc tác” còn sản phẩm/dịch vụ của công ty bạn vẫn là phần
“cốt lõi”. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý đến yếu tố không gian và thời
gian khi tổ chức các buổi giới thiệu sản phẩm mới.
3. Các kỳ nghỉ, các ngày lễ
Những dịp lễ Giáng Sinh, năm mới hoặc
khi hè về, thu sang, đông đến…đều là những dịp rất tốt để bạn tổ chức
các sự kiện đặc biệt. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải xây dựng
được những chương trình độc đáo nhưng không đi quá xa thông điệp mà bạn
muốn gửi gắm đến khách hàng.
4. Sự xuất hiện của những người nổi tiếng
Làm việc với những người nổi tiếng tuy
khá phức tạp nhưng lại có tác dụng rất tốt đối với chương trình tiếp
thị của bạn. Trước khi tiếp cận với các nhân vật nổi tiếng, điều quan
trọng là cần phải nghiên cứu kỹ lịch trình làm việc và cá tính của họ
xem có thích hợp với mục tiêu tiếp thị và hình ảnh của công ty bạn hay
không. Nên đối xử với những người nổi tiếng theo một tác phong “chuyên
nghiệp” và nên báo cho họ biết trước chương trình chi tiết. Khi mời
những nhân vật nổi tiếng hợp tác, bạn cũng phải xác định xem đối tượng
khách hàng mà bạn muốn thu hút là ai, bạn muốn đưa tin về sự kiện xuất
hiện của các nhân vật này trên các phương tiện truyền thông nào và bạn
muốn tạo ra ấn tượng lâu dài nào đối với khách hàng.Đồng tài trợ
Để đạt được các mục tiêu tiếp thị
của mình, bạn còn có thể tham gia tài trợ cho một sự kiện nào đó do các
công ty khác tổ chức hoặc hợp tác với họ để tổ chức các chương trình từ
thiện, chúc mừng sinh nhật của các doanh nghiệp khác, tài trợ cho các
chương trình thi đấu thể thao, hội họp…Nhưng nên nhớ rằng, không phải
chương trình nào cũng đều thích hợp cho tất cả các doanh nghiệp. Việc
hợp tác tổ chức sự kiện phải tuỳ theo đặc điểm ngành nghề kinh doanh của
công ty bạn và phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
5. Kỷ niệm thành lập
Đây là một sự kiện đặc biệt mà hầu hết
các doanh nghiệp đều có thể tổ chức. Có một thâm niên hoạt động trong
một ngành nghề nào đó là một điều đáng để doanh nghiệp tự hào và bạn nên
tận dụng cơ hội này để củng cố sự ủng hộ, lòng trung thành của những
khách hàng trong quá khứ và hiện tại. Buổi tiệc “sinh nhật” cũng là dịp
để bạn mời những khách hàng tiềm năng và xây dựng quan hệ với họ.
6. Tổ chức các trò chơi và các cuộc thi
Thực tế cho thấy, các trò chơi và các
cuộc thi là những sự kiện gây được khá nhiều sự chú ý từ khách hàng. Tuy
nhiên, những chương trình này chỉ có tác dụng tốt nếu nó được tổ chức
và quản lý một cách hợp lý và nghiêm túc. Nghĩa là, bạn phải chứng minh
được tính chuyên nghiệp trong việc tổ chức các trò chơi và các cuộc thi.
Mọi người cần phải được thông báo, hướng dẫn rõ ràng về những thể lệ
cuộc chơi như cách thức chọn lựa, đánh giá và trao giải thưởng. Và một
điều quan trọng là nếu bạn đã hứa hẹn có những giải thưởng nào thi phải
giữ đúng lời hứa.